top of page
Writer's picturePhuong Thao

Nghiện mua sắm, có thể bạn đang cần điều khác!


“Ô chữ này gồm 6 chữ. Đây là sở thích của phụ nữ”

Mình nhớ đây là câu đố ở vòng đặc biệt mà mình xem được trong một chương trình đoán ô chữ của Đài truyền hình VTV3 hồi học cấp 2. Người chơi không đoán ra trong thời gian cho phép nên không nhận được phần thưởng. Còn mình thì nhớ mãi đáp án của ô chữ này: "Mua sắm".


Lớn lên một chút mình thấy đáp án này không sai chút nào. Đi ngắm nghía từ cửa hàng này đến cửa hàng khác, thử món đồ này đến món đồ khác, mang về nhà những món đồ mới là một món ăn tinh thần mang đến niềm vui và sự phấn khởi cho phụ nữ. Hàng năm Tết đến, hay chuyển mùa, thi thoảng mình cũng dành một ngày để đi mua sắm quần áo giày dép. Cảm giác mua sắm những món đồ mới về nhà như mang về một làn gió mới.


Từ sở thích thành nghiện mua sắm

Mình nghĩ mua sắm cực kỳ tốt cho tinh thần phụ nữ nếu nó không trở nên quá độ. Mình nhớ có xem một chương trình trên TV trước đây, người phụ nữ sống một mình thường xuyên mua sắm rất nhiều nhưng không thực sự dùng đến. Có những món đồ hiệu cô ấy mua hai lần vì không nhớ là đã mua rồi. Nhà cô ấy đầy ắp hộp vận chuyển từ Amazon mà chủ của chúng không thèm mở. Mình nhớ cảnh cô ấy ngồi trống rỗng trước núi đồ. Lúc đó mình tự hỏi: Cô ấy mua sắm làm gì thế nhỉ? Vì chắc hẳn là không phải mua với mục đích có đồ để dùng. Chương trình TV giải thích cho hành động của cô ấy là vì cô ấy bị bệnh “nghiện mua sắm”.


Cho đến năm trước, mình phát hiện mình cũng đang bị bệnh nghiện mua sắm online. Chỉ cần có một lúc rảnh rỗi là ngay lập tức mình cầm điện thoại để tìm kiếm, lựa chọn và mua. Mình dành hàng giờ mỗi ngày để mua sắm online. Bắt đầu từ mua những thứ cần thiết xung quanh mình, mình nghĩ ra nhiều những thứ có lẽ sẽ dùng, và những thứ hay hay muốn dùng thử, rồi đến những thứ rẻ quá mua thử xem sao. Việc mua được những món đồ mới, rẻ làm cho mình háo hức 1-2 ngày, cho đến khi hàng đến và mình ngay lập tức thấy chán. Món đồ được mua đôi khi được cất ngay và không bao giờ được mang ra dùng nữa. Còn mình lại tiếp tục đi săn tìm một món đồ mới. Mình thực sự muốn bỏ thói quen này vì nó vừa tốn tiền vừa tốn thời gian nhưng thực sự là một thử thách.


Trong một phiên coaching, khi mình trao đổi về vấn đề này, coach hỏi mình: Thế mình đang muốn thoả mãn nhu cầu gì thông qua mua sắm? Mình mới nhận ra, à, mình không thực sự muốn mua đồ, mình đang bỏ tiền để mua "sự háo hức", “niềm vui”. Ngẫm lại, lúc đó mình khá chán trong công việc, mình thấy bế tắc vì mình buộc phải tiếp tục công việc này vì sự ổn định của nó. Mua sắm chính là cách mình đã dùng để vượt qua sự chán nản, bế tắc lúc đó, nhưng là một cách kém hiệu quả và đau túi tiền của mình.


Vài tháng sau phiên coach ấy, mình tìm ra phương hướng cho công việc, mình thấy hi vọng ở tương lai. Mình bận rộn lên kế hoạch cho việc đi học, nâng cấp bản thân, chuẩn bị cho công việc mới. Từ lúc nào mình không còn vô thức cầm điện thoại lên và mở app mua sắm ra xem nữa. Mình không cần phải xoá app đi và cài lại bao nhiêu lần. Mình không còn cần mua sắm để chạy trốn sự buồn chán nữa.


Nếu mua sắm đang trở thành một điều tiêu cực

Nếu bạn bị bệnh nghiện mua sắm, hay mua sắm đang không đóng góp tích cực cho cuộc sống của bạn, có thể bạn cần hỏi bản thân: Mình đang dùng mua sắm để chạy trốn điều gì?

Có thể điều bạn cần không phải là những bộ quần áo mới, mà là một điều hoàn toàn khác.

Bạn thực sự đang cần gì?


Thảo Phương

1 view0 comments

Comentarios


bottom of page